Ngủ trưa thật khó cưỡng. Đối với nhiều nhân viên văn phòng, nghỉ ngơi một chút vào buổi trưa thì buổi chiều mới có thêm năng lượng để làm việc.
Bạn có nghĩ rằng điều này thật lười biếng? Không, giấc ngủ trưa thực sự là nhu cầu thiết yếu của cơ thể!
Tại sao cần ngủ trưa?
Ngủ trưa là nhu cầu bản năng của con người.
Ngay từ năm 1986, một thí nghiệm về “Nhịp sinh học của giấc ngủ và thức” đã chứng minh rằng, trạng thái tỉnh táo hoàn toàn của con người chỉ kéo dài khoảng 4 giờ, sau đó sẽ cảm thấy buồn ngủ một lần, và hai khoảng thời gian trong ngày mà mọi người thường muốn ngủ nhất là từ 1:00 đến 4:00 sáng và từ 13:00 đến 16:00 chiều.
Trong hai khoảng thời gian này, do tác động của đồng hồ sinh học, cơ thể đang ở trạng thái tỉnh táo sinh lý thấp, cần ngủ để phục hồi sức lực và tinh thần.
Đối với người bình thường, giấc ngủ trưa không chỉ giúp giảm mệt mỏi và phục hồi tinh thần mà còn mang lại nhiều lợi ích khác.
1. Cải thiện tình trạng mệt mỏi mắt
Sau nửa ngày làm việc, mắt thường bị khô và mỏi, việc nhắm mắt nghỉ trưa một chút có thể giúp phòng ngừa hội chứng khô mắt và suy giảm thị lực.
2. Tăng cường trí nhớ
Giấc ngủ trưa không chỉ có thể giúp sắp xếp các ký ức phân mảnh thành một cấu trúc mạng lưới mà còn giúp chuyển thông tin từ trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn trong quá trình ngủ.
3. Hỗ trợ giảm huyết áp
Nghiên cứu cho thấy, việc nghe trưa 30 phút mỗi ngày có thể giúp cân bằng sự tiết hormone trong cơ thể, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh về hệ tim mạch.
4. Bảo vệ gan và thận
Y học cổ truyền cho rằng, việc ngủ trưa đúng giờ rất quan trọng cho sức khỏe cơ thể.
Ngủ vào giờ Tý giúp bảo vệ gan, trong khi vào giờ Ngọ thì khí dương mạnh nhất, ngủ vào giờ này có thể giúp bổ dưỡng dương thận, gan và thận có cùng nguồn gốc, ngủ đúng giờ giúp bảo vệ cả gan và thận.
Ngủ trưa không nên gượng ép
Có thể có người sẽ nói, nếu khó ngủ trưa thì phải làm sao?
Thực tế, giấc ngủ trưa không cần phải lo lắng về việc có “ngủ được hay không”, đặc biệt là những người bị lo âu mất ngủ, càng lo lắng thì lại càng không ngủ được, điều này ngược lại có hại cho sức khỏe.
Đối với những người này, tốt hơn hết là điều chỉnh giấc ngủ trưa thành thời gian nghỉ ngơi, miễn là cho cơ thể hoàn toàn thư giãn là đủ.
Có thể thử nhiều phương pháp như nghe nhạc, thực hiện các bài tập thư giãn, làm trống tâm trí hoặc thư giãn cơ thể.
Đối với những người có thể ngủ trưa bình thường, một vài mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ trưa.
Dựa lưng thay vì gục mặt trên bàn: Nếu không có ghế nằm, có thể chuẩn bị hai cái gối để tạo ra góc ngủ phù hợp cho lưng hoặc cổ.
Đừng vội ngủ sau khi ăn: Dạ dày cần khoảng một giờ để tiêu hóa, nên nghỉ ngơi 30 phút sau khi ăn trưa để chờ hệ tiêu hóa hoạt động tối ưu rồi hãy ngủ.
Rút ngắn thời gian ngủ trưa: Cố gắng kiểm soát thời gian ngủ trưa trong khoảng 30 phút, 20 phút sẽ an toàn hơn, hoặc quan sát khoảng thời gian nào bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi thức dậy để điều chỉnh thời gian nghỉ ngơi phù hợp nhất với mình.
Chuẩn bị “đồ dùng” trước khi ngủ: Khi ngủ say, khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể giảm xuống. Do đó, ngay cả khi không cảm thấy lạnh trước khi ngủ, cũng nên đắp một chiếc chăn hoặc mặc thêm áo để giữ ấm.
Uống một cốc nước sau khi tỉnh dậy: Sau một giấc ngủ, bữa trưa cũng đã tiêu hóa phần lớn, nhiều dưỡng chất được hấp thụ vào máu, làm tăng độ quánh của máu; lúc này rất thích hợp để uống một cốc nước ấm.